Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa gây chú ý khi công bố dự án có tên gọi là IRIS² (viết tắt của Resilience, Interconnectivity, and Security by Satellite), với mục đích xây dựng và cung cấp một dịch vụ cung cấp internet dựa trên vệ tinh về cơ bản có cách hoạt động tương tự như Starlink, và đồng thời nhắm mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ của tỷ phú Elon Musk. Dự án này đã được duyệt chi mức ngân sách đầu tư dự tính lên tới 10,6 tỷ euro (11,1 tỷ đô la).
Kế hoạch của EU trong sáng kiến IRIS² là tạo ra một mạng lưới truyền thông vệ tinh an toàn và độc lập cho châu Âu trong 12 năm tới. Chương trình này là sự hợp tác giữa EU, ESA và một nhóm tư nhân có tên là SpaceRISE. Dự án đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới đa quỹ đạo gồm gần 300 vệ tinh, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh của Mỹ như Starlink của tỷ phú Elon Musk và dự án Kuiper của Amazon. Việc phát triển và phóng vệ tinh lên quỹ đạo được đảm nhiệm với các tổ chức, công ty hàng không vũ trụ hàng đầu bao gồm SES, Eutelsat, Hispasat, Airbus và Thales.
IRIS² sẽ cải thiện các hệ thống EU hiện có như Copernicus và Galileo, mang đến khả năng điều hướng chính xác hơn và cung cấp dữ liệu Trái đất có giá trị. Hầu hết dung lượng vệ tinh sẽ được sử dụng cho các dịch vụ băng thông rộng thương mại, nhưng một phần đáng kể cũng sẽ được phân bổ tập trung vào các lĩnh vực truyền thông của chính phủ như an ninh và quản lý khủng hoảng.
IRIS² sẽ đảm bảo thông tin liên lạc an toàn cho các mục đích quân sự, quốc phòng và ngoại giao. Giám sát, kết nối trong những khu vực bị thiên tai và truy cập băng thông rộng thương mại là những ứng dụng tiềm năng khác của hệ thống này.
Các vệ tinh IRIS² sẽ hoạt động trên quỹ đạo Trái đất thấp và trung bình, với lần phóng đầu tiên được lên kế hoạch vào năm 2029. Vốn tài trợ cho dự án sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau: EU đóng góp 6 tỷ euro (6,3 tỷ đô la), ESA cung cấp 550 triệu euro (578 triệu đô la) và khu vực tư nhân đóng góp hơn 4 tỷ euro (4,2 tỷ đô la). Hệ thống Internet vệ tinh này được phát triển theo hình thức hợp tác công tư, phục vụ cả chính phủ và khách hàng tư nhân.
Việc tạo ra một mạng vệ tinh châu Âu mạnh mẽ, độc lập được kỳ vọng có thể giúp cải thiện khả năng truy cập internet, đặc biệt là ở những vùng xa xôi hoặc chưa được phục vụ đầy đủ. Khi ngày càng nhiều công ty tham gia vào thị trường internet vệ tinh IRIS², công dân EU có thể được hưởng mức giá phải chăng đồng thời chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Để lại một bình luận