Bạn có thể đã nghe về thuật ngữ Công suất thiết kế nhiệt (TDP), thường được đề cập trong các cuộc thảo luận trực tuyến về CPU. Đây là một số liệu phổ biến, mặc dù không mô tả đầy đủ công suất tỏa nhiệt và mức sử dụng điện của CPU, nhưng có phải là yếu tố bạn cần cân nhắc khi đang tìm mua một CPU mới không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Giải thích về TDP của CPU
TDP (thermal design power) là công suất thoát nhiệt tối đa của một con chip xử lý, có mặt trên mọi CPU hay GPU, và được sử dụng để đo lượng nhiệt mà bộ xử lý sẽ phát ra khi tải các tác vụ trên hệ thống. Nói cách khách, TDP thường được sử dụng để mô tả lượng nhiệt tỏa ra của CPU khi chịu tải, hay chính là lượng nhiệt, tính bằng watt, mà bộ làm mát CPU phải tản ra để CPU hoạt động theo thông số kỹ thuật chính thức. Ví dụ, nếu CPU bạn đang dùng có TDP là 90W, điều đó cho thấy theo tính toán CPU này dự kiến sẽ tạo ra giá trị nhiệt tối đa rơi vào khoảng 90W khi vận hành.
Các định nghĩa khác, chẳng hạn của Intel, mô tả TDP là “mức tiêu thụ điện năng [CPU] dưới tải lý thuyết tối đa”.
Vấn đề là TDP của CPU không phải là thước đo lượng nhiệt tỏa ra hoặc mức tiêu thụ điện năng thực tế. Nó được tính toán—hay nói đúng hơn là được lựa chọn—bằng các công thức ít liên quan đến hành vi thực tế của CPU khi chịu tải.
Mặc dù TDP của một CPU nhất định có thể cung cấp cho bạn ước tính chính xác về lượng điện năng hoặc nhiệt lượng, tính bằng watt, mà CPU đó sẽ sử dụng/tản nhiệt (hai thông số này ít nhiều giống nhau vì chip tản ra cùng một lượng điện năng mà chúng tiêu thụ dưới dạng nhiệt), nhưng bạn không nên chỉ dựa vào TDP để đưa ra quyết định mua hàng.
TDP không nên là thông số quyết định
Khi tìm kiếm CPU mới, bộ tản nhiệt để làm mát CPU và bo mạch chủ để chứa CPU, bạn nên xem các bài đánh giá cho thấy mức sử dụng điện năng thực tế thay vì dựa vào các giá trị TDP chính thức. Bởi vì giá trị TDP của cả Intel và AMD công bố cho CPU của họ đều không khớp chính xác với hành vi thực tế.
Lấy ví dụ với AMD Ryzen 7 7700, một con chip có TDP 65W. Các thử nghiệm cho thấy Ryzen 7700 có thể tiêu thụ hơn 65W điện trong một số tình huống thực tế, chẳng hạn như mã hóa video, giả lập PS3 và làm việc với cơ sở dữ liệu, chứ không chỉ đơn thuần là trong các thử nghiệm tổng hợp được thiết kế để đặt CPU dưới tải cực lớn.
Tương tự, mặc dù trên lý thuyết, mức tải khi chơi game thường thấp hơn khối lượng công việc nặng sử dụng tất cả các lõi CPU, nhưng thực tế là một số trò chơi có thể khiến 7700 phải chịu áp lực cực độ, dẫn đến mức sử dụng điện năng cao hơn 65W. Mặt khác, các ứng dụng dựa trên hiệu suất luồng đơn, bao gồm hầu hết các trò chơi, dẫn đến mức sử dụng điện năng thấp hơn 65W.
Thực tế này cũng áp dụng cho hầu hết các CPU khác trên thị trường. Mặc dù giá trị TDP chính thức là ước tính sơ bộ về mức sử dụng điện năng và tản nhiệt, nhưng chúng không hiển thị mức sử dụng điện năng thực tế, có thể thấp hơn hoặc cao hơn thông số TDP chính thức tùy thuộc vào khối lượng công việc cụ thể.
May mắn thay, bộ tản nhiệt CPU hiện đại rất tuyệt vời trong việc quản lý nhiệt. Ngay cả bộ tản nhiệt khí giá rẻ chất lượng cũng có thể kiểm soát mọi CPU AMD và hầu hết CPU Intel. Hệ thống tản nhiệt chất lỏng tất cả trong một (AIO) 240mm trở lên chỉ cần thiết nếu bạn chọn CPU Intel cao cấp. Nói cách khác, bạn sẽ không gặp vấn đề gì khi tìm bộ tản nhiệt phù hợp cho CPU của mình, bất kể TDP và mức sử dụng điện thực tế của nó.
Cũng có thể nói như vậy về bo mạch chủ. Miễn là được chế tạo tốt, ngay cả bo mạch chủ giá rẻ cũng có thể cho phép bất kỳ CPU AMD nào có thể phát huy hết khả năng của mình. Nhưng ngược lại, bo mạch chủ Intel giá rẻ đôi khi không thực sự cho trải nghiệm tuyệt vời khi kết hợp với CPU Intel cao cấp.
Điều này là do CPU Intel cao cấp có thể ngốn hơn 300W điện năng khi tải, gây căng thẳng cho các mô-đun điều chỉnh điện áp (VRM) có trong bo mạch chủ giá rẻ, dẫn đến xung nhịp tăng thấp hơn so với quảng cáo. VRM có trách nhiệm cung cấp điện áp sạch và đủ điện cho CPU. Nếu CPU sử dụng quá nhiều điện năng mà VRM có thể xử lý, nó sẽ tiếp tục chạy, nhưng ở xung nhịp thấp hơn, dẫn đến suy giảm hiệu suất.
Vì vậy, khi chọn CPU, bạn đừng chỉ dựa vào giá trị TDP. Thay vào đó, hãy đọc và xem các bài đánh giá hiển thị mức sử dụng điện năng và đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các con số này. Sau đó, hãy tìm bộ tản nhiệt có khả năng xử lý CPU và bo mạch chủ nói trên với VRM đủ tốt để cho phép nó hoạt động ở xung nhịp boost được quảng cáo. Hãy xem và đọc các bài đánh giá về bộ tản nhiệt và bo mạch chủ để tìm hiểu xem bộ tản nhiệt và bo mạch chủ bạn định mua có thể “thuần hóa” CPU đó hay không.
Bạn cũng có thể truy cập r/buildapc, một subreddit cực kỳ hữu ích, nơi bạn có thể hỏi ý kiến cộng đồng về các lựa chọn CPU, bộ tản nhiệt và bo mạch chủ của bạn hoặc yêu cầu họ giới thiệu các bộ tản nhiệt CPU và bo mạch chủ phù hợp với CPU mà mình định mua.
Nếu bạn đã có bo mạch chủ, bộ tản nhiệt và chỉ muốn nâng cấp CPU, xếp hạng TDP kết hợp với mức sử dụng điện thực tế sẽ cho bạn biết liệu bộ tản nhiệt và bo mạch chủ hiện tại có đủ tốt cho CPU mà bạn định mua hay không.
Lời khuyên là hãy tự do nâng cấp bộ tản nhiệt CPU hiện tại nếu cần vì bạn có thể mua được bộ tản nhiệt CPU tuyệt vời với giá cả phải chăng, và việc lắp đặt không quá phức tạp. Nhưng nếu bo mạch chủ hiện tại quá khiêm tốn so với CPU mà bạn đang để mắt tới, thì tốt hơn là nên chọn một con chip sử dụng ít điện năng thay vì nâng cấp bo mạch chủ. Bo mạch chủ đắt tiền và quy trình lắp đặt phức tạp hơn nhiều so với bộ tản nhiệt CPU.
Về cơ bản, bạn chỉ cần hiểu đơn giản rằng TDP là thông số giúp xác định hiệu suất và mức độ sử dụng năng lượng của một thành phần nào đó. Lấy ví dụ về bộ xử lý máy tính, một model CPU có TDP cao hơn thường sẽ cung cấp hiệu năng mạnh mẽ, nhưng lại tiêu thụ nhiều điện từ PSU hơn. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc lại, TDP không phải là thước đo trực tiếp về việc một thành phần sẽ tiêu thụ bao nhiêu năng lượng, nhưng đây là chỉ số quan trọng giúp chúng ta xác định được các thông tin liên quan.
Lưu ý rằng trong quá trình nâng cấp các thành phần phần cứng máy tính như CPU hoặc GPU, trước khi nâng cấp lên CPU hoặc GPU mạnh hơn với TDP cao hơn, bạn phải chắc chắn rằng hệ thống làm mát hiện tại đủ đáp ứng yêu cầu để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình sử dụng.
Để lại một bình luận